Tại Bến Tre, trong khi nhiều người vẫn còn lao đao với nghề trồng hoa kiểng thì có một nông dân ăn nên làm ra nhờ cây bông giấy.
Một loài hoa bình dị, đơn sơ, cánh mỏng, mọc dựa bờ rào. Thế nhưng, khi vào chậu, được uốn tỉa nghệ thuật, chúng trở thành một thú chơi, mang lại giá trị kinh tế cho nhà vườn. Hiện nay, vườn nhà ông Phạm Văn Màu, Bến Tre có 1.300 gốc bông giấy bonsai lớn nhỏ. Chỉ cần đến đây, chúng ta sẽ được hướng dẫn cách tạo ra những bộ rễ kỳ quái, thậm chí là được chia sẻ bí quyết tạo dáng, chiết ghép nhiều sắc hoa trong cùng 1 chậu.Thông thường, để có những sản phẩm ưng ý đến tay người chơi hoa kiểng, ông Sáu Màu phải mất đúng 1 năm chăm sóc. Vì là bonsai nên việc cần làm đầu tiên là sưu tầm cho bằng được bộ rễ đẹp. Dáng rễ càng quái, giá trị càng cao.
Rễ cây thì phát triển ngẫu nhiên. Nhưng chọn ra được dáng hình độc đáo thì còn tùy thuộc vào cặp mắt thẩm mĩ của nghệ nhân. Ở khâu chiết tách, người ta sẽ nhìn ra hình thù của một con rắn hay là 1 trái tim ước lệ. Tiếp đến, ông Sáu Màu sẽ ghép bo tạo hình từ nhánh của cây bông giấy cẩm thạch Thái siêu bông. Bằng kinh nghiệm tích lũy của một nhà vườn có 40 năm theo nghề hoa kiểng, ông dễ dàng cho ra một chậu bonsai có dáng bay hay dáng đổ, thậm chí là một chậu bông giấy 6 màu, như tên gọi của ông. Trồng bông giấy bonsai cũng phải có kỹ thuật, mình cắt nước chừng 2-3 ngày, cho nó khô, cái nhánh nó dẻo, mình vô dây nhôm nó ít bị gãy. Dáng đổ, dáng bay theo ý muốn. Nghề này thấy cũng nhàn. Không không xịt thuốc trừ sâu hay trị bệnh gì hết, chủ yếu rải phân nên sức khỏe mình cũng an toàn. Có nhiều mức giá, nhỏ thì chừng 200 đến 300 ngàn đồng, lớn thì triệu ba, triệu rưỡi. Mấy gốc lớn hơn trên 10 triệu đồng.
Với cách làm này, hơn 10 năm qua gia đình ông Sáu Màu sống khỏe nhờ cây bông giấy. Không dịch bệnh, không mất mùa, cũng không phải chịu cảnh thừa hàng dội chợ. Chỉ cần tỉ mẩn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, thương lái sẽ tìm đến tận vườn. Còn nếu nông dân nào muốn học nghề, ông cũng sẵn sàng, không giấu./.
Nguồn VTV.vn